Về Sa Đéc , tôi lưu lại mấy ngày tại nhà chị tôi ở Tân Qui Đông, đây là Vườn Hồng ngày xưa, bây giờ người ta gọi chung Vườn Hồng là Làng Hoa

Trong tiết trời lạnh buốt, sáng tôi dậy sớm và nghĩ đi bộ là tốt nhất. Bắt đầu từ Chùa Phật Mẫu ở Phường 3, Tân Qui Đông, tôi quấn khăn cổ, mang khẩu trang và giày thể thao xuất hành về hướng Vườn Hồng. Đi khi trời chưa rạng sáng, đường còn vắng, nên tôi mặc chiếc áo khoác nhiều túi có dây kéo an toàn, áo có đến năm túi, túi trong túi ngoài. Lúc đi về quê, con trai có dặn kỷ, mẹ cẩn thận nhé! Biết là nó muốn nói cẩn thận việc dịch bệnh, nhưng tôi còn cẩn thận luôn việc giữ gìn tài sản nữa, đi chơi vui mà để con lo lắng coi sao được.

Vườn Hồng xưa – Làng hoa ngày nay

Đi một quãng, tôi thấy có ngôi nhà xưa rất lớn còn nguyên vẹn mà cửa không đóng. Tôi lấy nhanh máy ảnh trong túi ra chụp một lèo mấy tấm, không biết nhà ai, nhưng vẫn chụp rồi về hỏi lại sau. May mắn cho tôi là nhà không có chó, sân nhà được tận dụng làm nơi để kiểng bán, kiểng toàn là tùng. Loại tùng này người ta để trong sân những ngôi biệt thự mới xứng vì tàn cây xòe ra rất lớn. Giống như hàng cây cau thân mập trồng dọc theo bờ sông hiện nay, sau khi làm bờ kè, nơi đây trồng cau này từ cầu Sắt Quay lên đến Cầu Thông Lưu. Giống cau này cũng chỉ trồng ngoài lộ lớn mới xứng..

Trên đường tôi đang đi , có tủ bán bánh mì phía trước nhà. Trên tủ được ghi: bánh tầm bì, xíu mại, chả giò, món ăn tôi thích và là đặc sản ở Sa Đéc. Tôi dừng lại suy nghĩ, mới sáng mà đứng chụp tủ hàng rủi người ta bán ế là bị chửi cho, vậy là tôi ghé lại mua một hộp bánh tầm thập cẩm, hộp bánh tầm này theo tôi suốt chặn đường buổi sáng, Khi mở ra ăn mới thấy không có nước cốt dừa như ý, vì mãi lo chụp hình nên không để ý. Còn viên xíu mại nhỏ xíu, đúng là xíu mại, vậy mà ông bạn tôi nói ở đây bánh mì xíu mại ngon, bù lại chả giò ngon!

Tôi lững thửng đi, tay xách hộp bánh tầm, dáng rất phất phơ như đi tập thể dục...Ngang chợ Tân Qui, chợ nhỏ có nhà lồng nhưng vài người bán choán cả đường xe cộ đi. Sắp tết nên hàng bán nhiều, tôi thấy những món đồ nhựa, chổi, tấm lót chân...

Đến Vườn Hồng cũ, con đường cũng được đặt tên Vườn Hồng, tôi quẹo vào, ở đây đang làm bờ kè hai bên con kênh, kênh này lưu thông ra Sa Giang và sông Tiền còn gọi là Sông Cái. Đường đang tráng lại, ở đây không còn gì để xứng gọi là Vườn Hồng như trước nữa, trước mỗi nhà không hoa kiểng để bán mà tất cả đã dời về Tân Khánh Đông, một địa điểm mới để trồng hoa. Hồi còn nhỏ tôi có qua đây khi còn Bến Nước Long Giang, họ có ca nô hiệu Bo bo cho dân chơi trượt nước, một trò chơi của giới thượng lưu, vùng này ngày xưa gọi là đất lỡ. Có một ngôi nhà xưa ở đoạn giữa đường này nhưng nhỏ hơn ngôi nhà tôi thấy lúc nảy. Ai đó viết chữ lên những cây cột của ngôi nhà xưa này, không phải thư pháp mà cũng không phải câu liễn, nói chung là nét chữ xấu.

Tôi quay trở ra đường tiếp tục đi dọc bờ sông, nước sông đang lớn muốn tràn bờ. Giòng Sa Giang rộng và sâu, ghe tàu qua lại và neo đậu quanh năm, thường thì sà lan vận chuyển cát, đá, xi măng, ghe thì chở lúa gạo, phân bón và cây giống về khắp mọi miền vì lên đoạn sông trên tới cầu Sắt Quay sẽ có ngả ba, một nhánh sông đó đi ra ngoài sông Tiền, sông Hậu. Bờ bên kia sông có vài nhà buôn xăng dầu lớn, ba xưởng cưa và một nhà máy phân bón.

Qua cầu Thông Lưu đến đình Tân Qui Đông, cạnh đó là chùa Ông Quan Thánh. Bắt đầu từ đây, bờ sông là bến tàu tiếp nhận và giao hàng cho những xe tải chở đi khắp nơi bằng đường bộ, mỗi gốc cây cạnh bờ sông là một "Chành Lộ Thiên" vì có ghi tên chủ " Chành" trên mỗi cây bóng. Sáng sớm đã có xe tải đậu dọc theo bờ sông, có xe lấy phân bón, có xe đưa cây giống xuống, nhà vườn chở cây giống về chuẩn bị cho vụ tết, bến sông những ngày này tấp nập hơn ngày thường. Đến ngả ba đường, tôi không đi theo bờ sông nữa mà quẹo phải đi về hướng khu công nghiệp vào Làng Hoa, chia tay bến sông từ chỗ này.

Làng hoa cho du khách

Cầu Sa Nhiên là điểm bắt đầu của Làng Hoa Sa Đéc đã được sơn mới, về đêm tôi nghĩ sẽ đẹp hơn bởi ánh sáng của đèn led được uốn hoa văn nhiều màu, nhà vườn đang nhập chậu nhựa đủ kích cở để chứa hoa kiểng, năm nay đặc biệt chậu nhựa màu đỏ tươi, chắc là muốn số đỏ đây. Vài chỗ nhà vườn mới bắt đầu mở cửa, nói tiếng cửa chứ thật ra đó là những hàng rào B40 có thể cuốn lại, vài nơi đang đẩy các chậu kiểng ra sân như bày hàng, vì tối họ mang kiểng vào trong. Năm nay lan Hồ Điệp có lẽ mất ngôi Nữ Hoàng vì có vài giống lan lạ mà rất đẹp tôi mới thấy trưng bày vài nơi. Kế đến là hoa Giấy ngủ sắc, nhà vườn ghép cành hay gốc không biết mà khi cây nở hoa có đủ năm màu rất hài hòa và rất đẹp. Ngày tết nhất định ai cũng muốn có một chậu hoa Giấy như thế này trưng trước sân nhà, một giống hoa nữa cũng rất ấn tượng với tôi là cây hoa Sứ, Hoa Sứ năm nay có giống mới, gốc tròn to như trái dừa nổi cộm lên trên mặt đất chen ngập trong chậu kiểng rất lạ, mới thấy nhú lá, chưa ra hoa, chắc loạt kiểng này để dành bán chưng tết. Năm nay không biết có Thanh Long trong chậu có trái dính chùm từ gốc đến ngọn hay không chứ hiện tại đã xuất hiện Táo Mỹ trong chậu rất đẹp, cây táo thấp chừng 40cm mà trái trĩu cành dễ thương ghê. Ấn tượng nhất là sự xuất hiện một vườn Chà Là trong Làng Hoa. Tôi ghé vào mùa này Chà là chưa ra hoa kết trái. Tôi đi ngang vườn hoa kiểng của anh bạn lối xóm ở Saigon mấy mươi năm trước, bất ngờ lắm khi tôi biết anh cũng về quê sinh sống và làm hoa kiểng ở đây. Trong Làng Hoa người ta biết anh với tên trong nick name là Dũng Ròm, còn lúc ở Sài Gòn anh có biệt danh là Dũng Organ vì anh chuyên cung cấp thiết bị âm thanh và ánh sáng cho tất cả các sân khấu. Tôi biết anh và thân như người nhà vì thời gian đầu anh sinh sống bằng nghề làm răng, anh là một nha công có vợ là nha sĩ. Tôi ghé vào nhà vườn của anh thấy một bảng ghi "5 Dũng / 0987 000 111 / 66 Đường Làng Hoa" Từ khi biết anh lập nghiệp ở đây, mỗi lần thăm Làng Hoa là tôi hay ghé nhà vườn của anh. Anh vui tính và thân thiện, anh mới về đây chừng năm nay mà Nhà vườn anh đầy cây kiểng đẹp ai cũng biết tiếng. Ngoài những chuyên môn của anh mà tôi biết, anh còn có thêm công việc xuất phát từ đam mê là sưu tầm xe máy cổ, lúc nào tôi đi ngang cũng thấy anh bày ra một đống phụ tùng xe ngồi mài mò lắp ráp.

Có một quán cà phê nằm trên bờ kênh dựng theo hình du thuyền trong Làng Hoa. Khách đông vì tò mò và chuộng chỗ mới. Cà phê ở quán ngon, giá bình dân

Khu Du Lịch (KDL) nằm trong khu vực Làng Hoa Sa Đéc, mở cửa hơn một năm, Tết này KDL có thêm vài hạng mục tham quan mới như tiết mục Cá Lóc Bay, Bơi Thuyền Hoa trên sông, Rượu Si Rô Hoa Hồng, Trong KDL có một nhà máy chiếc xuất tinh dầu hoa hồng để làm mỹ phẩm. Vé vào cửa cho mỗi khách là 40 ngàn, trẻ em miễn mua vé. KDL có xe điện đưa rước khách, mỗi chuyến chở 10 khách từ cổng Làng Hoa đến KDL giá 200 ngàn một chuyến.

Trong KDL có quán cà phê và điểm tâm. Có một quán nước mía và si rô Hoa Hồng rất đặc biệt. Giá si rô đá bào, cà phê đá 15 ngàn đồng. Cảnh thiên nhiên ở đây rất đẹp.

Muốn ngắm hoa nở, khách vào Làng Hoa trước ngày 23 tháng chạp, vì sau ngày ấy, hoa sẽ mang đi mọi vùng đất nước bán chợ tết, nhà vườn chỉ gieo giống hoa Vạn Thọ để bán vào những ngày tết rồi nghỉ ngơi chờ thu hoạch vụ hoa rằm thượng ngươn.

Hoa trong Làng Hoa dành cho du khách ngắm thì có suốt mùa. Về Sa Đéc khách còn mua vài thứ đặc sản mang về làm quà như bánh phồng tôm Sa Giang, hủ tíu khô, mắm cá linh, cá sặc...