Nếu như mọi người đều thấy khẩu hiệu của cà phê Trung Nguyên là Khơi nguồn sáng tạo, nhưng khách hàng uống cà phê này sáng tạo được những gì thì chưa nghe ai nói đến hoặc thống kê có bao nhiêu sáng tạo ra đời từ uống cà phê thương hiệu này? Tuy nhiên, phải nói rằng giới kinh doanh quán cà phê Sài Gòn đã không ngừng sáng tạo để thu hút khách hàng.

Mở quán cà phê có thêm vườn trẻ

Khách uống cà phê thường là người lớn, trước đây là các lão già, kế tiếp là giới thanh niên. Các quán cà phê xưa chú trọng nhiều chất lượng cà phê, hương vị, độ nóng lạnh, nguyên chất hay pha hóa chất? Giờ đây, các quán còn thiết kế thêm chỗ vui chơi cho trẻ em như nhà banh, cầu tuột, xích đu… để người lớn uống cà phê thì trẻ em đi theo cũng có sân chơi mà không đòi về. Ở cá quận 12, huyện Hóc Môn, quán cà phê còn có thêm hồ cá Koi , loại cá Nhật sắc màu rực rỡ thu hút trẻ em. Những ngày nghỉ cha mẹ dẫn con đến các quán này để vui chơi, người lớn thì thưởng thức đồ ăn - thức uống, trò chuyện, ký kết làm ăn hay đọc báo trên mạng. Các quán cà phê này có công dụng như một thảo cầm viên nhỏ mà ngày nghỉ cả gia đình đến đây các nhu cầu người già trẻ được đáp ứng.

Quán cà phê hoài niệm

Con người có nhiều thú vui chơi, chủ quán cũng biết chọn cho mình một thành phần khách thích hợp. Trước đây thì dân chơi chứng khoán, bất động sản chọn cho mình một quán gần sàn giao dịch để tiện việc mua bán. Có quán tụ tập nhóm chơi tem, có quán quy tụ nhóm chơi đồ gốm sứ. Tự khách quy định thời gian gặp gỡ, trao đổi, chủ quán đứng ngoài không tham dự các dịch vụ này. Gần đây, chủ quán định hình khách đến quán mình nên mở cửa dành cho khách bất động sản thường để bảng có đuôi chữ Land như Winland; Samland Coffee; Beesoland … Phần lớn các quán này là sân sau của các đại gia bất động sản thành lập.

 

Dân uống cà phê gần đây thích xem đồ xưa, do vậy nên có rất nhiều quán sưu tầm đồ xưa về trưng bày: Nào là bàn máy may cũ, đồng hồ cũ hồi thập niên 50, máy hát đĩa,radio cassette, những đồ vật thường dùng ở những năm 1950- 1960 đều được gom về treo lủng lẳng trên vách. Những đồ xưa này để khách xem chơi chứ không sử dụng được, cũng không mua bán được như món đồ cổ nên rẻ tiền thích hợp với giới đầu tư quán cà phê trung bình. Họ gom từ món về từ các bà bán ve chai để làm đẹp quán , khác hẳn các đại gia bỏ ra hàng tỷ đồng để lập quán cà phê máy lạnh cao cấp ở các trung tâm thương mại.

Cà phê phòng trà - Cà phê sách

Trước 1975, việc đi phòng trà dành cho giới thượng lưu, ở đó đồ ăn ngon, uống rượu Tây, ca sĩ nhạc sĩ thời danh. Ngày nay, cà phê ở Sài Gòn sáng tạo ra loại quán cà phê phòng trà , đẳng cấp cao hơn Hát với nhau, nghệ thuật hơn hát Karaoke, nhưng không bằng phòng trà ngày trước. Nếu uống ly nước ở quán cà phê bình thường có giá từ 30-60k thì cà phê phòng trà có giá từ 50 đến 100 k được các ca sĩ phường và giới yêu ca nhạc phục vụ. Thường thì mỗi quận huyện có 2 đến 3 điểm hoạt động, có nơi phục vụ hàng đêm, có nơi hát hai ngày cuối tuần. Đây cũng là nơi rèn luyện các giọng ca vàng cung cấp cho đài truyền hình, các phòng trà chuyên nghiệp ở trung tâm Sài Gòn.

Hầu như, quán cà phê nào cũng có một hai kệ sách, chỉ để trưng bày là chính, chứ ít có khách nào đến quán để mượn đọc trong lúc uống cà phê. Và chủ quán cũng không dám đem sách quý ra để cho khách mượn vì khả năng mất sách rất cao. Quán cà phê sách thì lượng sách và kệ sách nhiều hơn, như một thư viện nhỏ nhưng cũng ít người đọc. Những “con mọt sách” có ngắm nghía thì ra đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, hoặc vào các nhà sách Fahasa, Văn Lang xem mãn nhãn hơn, còn vào đây ngồi cũng để uống cà phê mà thôi. Cà phê sách là nơi để nhân viên văn phòng mang Laptop vào đây làm việc, ít ai vào tra cứu, đọc sách.

Tóm lại, bán cà phê thời đại mới phải có óc sáng tạo, ngoài chú ý đến chất lượng còn phải giải quyết thị hiếu của mỗi nhóm khách hàng. Làm thế nào để quán Đẹp-Lạ vì ngoài quý ông còn có quý bà, họ đến không chỉ uống cà phê mà còn tìm chỗ để chụp hình lưu niệm. Thế nên ở giữa thành phố nhưng quán phải có cảnh như Tây Nguyên, cũng cồng chiêng, nhà rông; ở quận 12 phải có cảnh như ở ruộng đồng Bến Tre, Bạc Liêu, nhà tranh vách đất, cột dừa, nồi niêu đất nung. Mới đây, tôi thấy một quán cà phê ở Gò Vấp có để sẵn vài bó hoa khô đủ cỡ, dành cho khách có sinh nhật mượn chụp hình cho trang trọng, xong trả lại quán. Những bó hoa này được dùng như một đạo cụ quay phim, chụp hình mà khách rất thích vì không phải hao tốn.

Hàng ngày, chủ các quán này phải nghiên cứu thị trường mà thíết kế quán sao cho phù hợp với sở thích khách hàng. Đó mới là sáng tạo vậy.