TS.BS Bùi Chí Thương có nói: “Mỗi ngày thế giới có biết bao điều vĩ đại nhưng tôi chọn cho mình niềm vui nho nhỏ”. Niềm vui nho nhỏ của anh không có gì khác ngoài việc thăm khám, tư vấn, đỡ đẻ cho các sản phụ bình an vượt qua thai kỳ.

Duyên nghề của chàng trai tỉnh lẻ

Với một chàng trai tỉnh lẻ lại còn nghèo, việc học như chiếc phao cứu sinh và trở thành niềm hy vọng đổi đời. TS. BS Bùi Chí Thương (Giảng viên đại học Y dược TP.HCM, công tác tại bệnh viện Từ Dũ) cũng từng rơi vào hoàn cảnh ấy, cũng mang hy vọng nếu học giỏi cuộc đời sẽ sang chương mới tươi sáng hơn. Anh chia sẻ: “Nhà nghèo, tôi phải nhổ bông súng đem bán kiếm tiền. Tôi sợ sấm sét nhưng có lần trời mưa lớn, sấm vang đầy trời, tôi vẫn phải dầm mưa nhổ bông súng với chị gái. Lúc đầu, tôi chọn học nghề bác sĩ chỉ với ý nghĩ sẽ được đổi đời. Ai chê trách về việc này, tôi cũng chịu. Lúc đó, tôi có biết gì đâu. Tôi chỉ biết bản thân khổ quá, phải thay đổi cuộc đời của mình”.

Thi ngành y những năm 1992 - 1993 rất khó nhưng anh cũng ráng thi. Thi đậu, anh không dám về nhà dù rất vui. Bởi, anh lo gia đình không có tiền đóng học phí. Anh cũng không dám gọi điện về nhà thông báo cho ba mẹ biết mà chỉ dám gửi thư về. Nhận được thư của anh, ba mẹ vui lắm. Lúc này, ông bà còn đang làm ngoài ruộng. Nghe tin con thi đậu đại học ngành y, ông bà vui đến nỗi chạy té ngã trên bờ ruộng. Để anh có tiền đóng học phí đại học, ba mẹ đi vay tiền. Ba của anh vay chiếc nhẫn một chỉ vàng nhưng sau này, khi học xong, anh trả hơn một lượng vàng mà vẫn chưa hết số nợ.

TS.BS Bùi Chí Thương bế bé trai, con của sản phụ do anh đỡ đẻ.

Bác sĩ Thương nhớ lại: “Một người giàu có nhất xứ dưới tôi khuyên ba tôi: “Mặc dù, con anh học giỏi nhưng so với những đứa ở Sài Gòn thì con anh không là gì đâu. Nơi đó tập trung những đứa giỏi về thi, con anh chỉ như “vua chột ở xứ mù”, anh đừng mơ mộng”. Thế nhưng, ba vẫn cho tôi đi thi. Sau khi biết tin tôi thi đậu, ông này lại nói: “Đậu là đậu vậy thôi, chứ anh không có tiền cho nó học đâu, học làm bác sĩ mất nhiều tiền lắm”. Ba tôi đáp: “Tôi biết tôi nghèo nhưng không lẽ con tôi đậu đại học, tôi lại không cho nó đi học”. Ngoài ra, để có tiền học, anh vừa học vừa dạy thêm và đi bán chè. Anh trai của anh phải đi làm công nhân để kiếm tiền nuôi anh ăn học.

Sự cố gắng và thương yêu của gia đình trở thành động lực lớn để cậu học trò tỉnh lẻ miệt mài trên giảng đường và cần mẫn làm thêm. Ngày tháng trôi qua, thời gian thực tập dành cho sinh viên cũng đến. Anh chọn thực tập tại bệnh viện Từ Dũ. Tại đây, sinh viên tham gia đỡ đẻ, được cắt, khâu tầng sinh môn. Anh thấy bản thân làm được nên bắt đầu cảm nhận được sự có ích của nghề nghiệp. Sau đó, một giảng viên khuyên anh nên chọn chuyên khoa sản. Anh thấy bản thân cũng bắt đầu yêu thích chuyên khoa này nên quyết định chọn.

Trước đây, khoa Sản chủ yếu chỉ có bác sĩ nữ. Do đó, khi có bác sĩ nam đến học, các bác sĩ ở đây rất tận tình hỗ trợ. Gắn bó một thời gian với nghề, bác sĩ Bùi Chí Thương dần yêu và cống hiến hết sức. Theo bác sĩ Thương, khi bản thân chưa đủ trình độ, chưa thâm nhập sâu thì nghĩ cái gì cũng đơn giản nhưng lúc bắt tay vào việc, anh mới thấy khó vô cùng. Lúc còn thực tập, nếu có đỡ đẻ thì các thầy cô cũng giao cho anh những ca đơn giản, không phức tạp hoặc giao việc khâu những vết mổ nhỏ. Một bác sĩ chuyên khoa lại khác, phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Do đó, anh sợ tai biến trong quá trình sản phụ chuyển dạ, sợ những điều không mong muốn xảy ra.

Anh đan tay vào nhau, nhẹ nhàng chia sẻ: “Việc sinh đẻ khó lường lắm, dễ xảy ra nhiều bất ngờ. Ví dụ, sản phụ hỏi: “Bác sĩ ơi, ca của em sinh thường hay sinh mổ”, tôi thành thật trả lời rằng, làm sao mà biết được. Hoặc có người hỏi họ sinh dễ hay sinh khó, tôi cũng nói không biết, hỏi chừng nào họ sinh, tôi lại càng không biết Tai biến mà các bác sĩ sản khoa ám ảnh nhất là thuyên tắc ối. Tôi từng gặp 3 ca thuyên tắc ối, trong đó có 2 người chết, chỉ một người vượt qua khỏi. Người sống cũng bị thiếu máu não gây mất trí nhớ một thời gian, phải mất khá lâu mới phục hồi.

Trong việc sinh nở, người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất. Dù có chồng con, cha mẹ bên cạnh nhưng thật ra chỉ để an ủi tinh thần, chứ họ vẫn đối mặt với chuyện sinh tử. Không ai có thể giúp cho họ. Một số trường hợp người đi sinh hết sức khỏe mạnh, không bệnh tật nhưng khi sinh lại bất ngờ tử vong. Lúc này, người thân sản phụ hết sức đau lòng và thường phẫn nộ. Tuy nhiên, tôi hết sức thông cảm cho cảm xúc của họ. Bởi, họ không phải là nhà chuyên môn, không hiểu được tính bất ngờ trong sản khoa”.

Niềm vui nho nhỏ của vị bác sĩ hơn 20 năm trải nghề

Bác sĩ Bùi Chí Thương vẫn nhớ một ca rất đặc biệt. Lần ấy, anh vẫn đang hỏi chuyện thai phụ. Đang nói chuyện, anh bất ngờ không nghe cô ấy nói gì nữa. Anh nhìn xuống cô ấy đã tím tái. Theo kinh nghiệm, vị bác sĩ này biết có thể sản phụ bị thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi nên hô hào các bác sĩ hợp sức cứu chữa. Lúc này, cô ấy vẫn còn chưa sinh. Anh buộc phải lựa chọn nếu mẹ không thể cứu được thì phải cứu thai nhi hoặc ngược lại. Sau đó, các bác sĩ quyết định cứu đứa bé. Khi lấy thai nhi ra ngoài, em bé không được khỏe nhưng qua quá trình hồi sức thì có tiến triển tốt. Thật đáng tiếc, các bác sĩ cũng cố gắng cứu người mẹ nhưng đành bất lực.

TS.BS Bùi Chí Thương hạnh phúc giúp sản phụ “vượt cạn” bình an.

Dẫu với phụ nữ mỗi lần “vượt cạn” như một lần đi vào cửa tử nhưng bác sĩ Bùi Chí Thương luôn cố gắng không làm cho bệnh nhân hoảng sợ. “Tôi không thích làm cho bệnh nhân lo lắng. Tôi thích cách sống lạc quan. Tôi lạc quan nên khách hàng – bệnh nhân của tôi cũng sẽ lạc quan. Đặc biệt, tôi thích sự bình tĩnh. Do đó, khi bước vô phòng mổ, đầu tiên tôi luôn làm cho người bệnh có niềm tin cứ từ từ rồi họ sẽ khỏe, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Đối với sản phụ, tôi thường khuyên họ cứ từ từ, bình tĩnh đừng lo lắng, đừng nghĩ chuyện xa xôi mà tập trung vào việc sinh em bé. Tôi thường ngồi trò chuyện cho họ vui, không tạo áp lực hay hò hét khiến tinh thần họ thêm hoang mang”, bác sĩ Thương chia sẻ.

TS.BS Bùi Chí Thương tin vào chữ duyên và sự may mắn. May mắn, trong mỗi ca anh tham gia đỡ đẻ, em bé thường rất dễ thương. Các sản phụ thường nhận xét như vậy và nói với anh. Anh cũng không hiểu vì sao. Đối với các sản phụ được anh thăm khám, anh thường chọn cách thẳng thắn trao đổi với họ. Nam bác sĩ nhớ, có một bệnh nhân bị thai lưu nhiều lần. Người ta nói bệnh của cô ấy có thai cũng không giữ được thai. Nhiều chuyên gia về di truyền hay bạn bè của nữ bệnh nhân này cũng khuyên cô không nên mang thai nữa. Sau đó, cô ấy có đến phòng khám của anh điều trị. Tại đây, anh phát hiện bệnh nhân có thai.

“Tôi hồi hộp lắm. Không lẽ, tôi lại nói cô ấy không nên giữ thai. Nếu khuyên cô ấy giữ lại thì tôi rất sợ, nhỡ cái thai lại hư thì sao. Hơn nữa, cô ấy đang khao khát có một đứa con đầu lòng, siêu âm thì lại biết bé trai nên cả dòng họ của cô ấy quý lắm. Cuối cùng, tôi cứ cố gắng kéo dài, theo sát thai kỳ của cô ấy. Nói thật, gia đoạn đó tôi áp lực ghê lắm. Đến khi sinh nở, ai cũng sợ đứa bé có dị tật. Tuy nhiên, may mắn làm sao, em bé lành lặn và hết sức đáng yêu. Lúc này, tôi mới vui và thở phào nhẹ nhõm”, nam bác sĩ kể lại.

Trước đây, đến Tết, bác sĩ Thương hay về quê nhưng hiện tại, anh lại không về nữa. Anh chọn về thăm người thân trong dịp Tết dương lịch. Những ngày Tết, anh vẫn đến bệnh viện trực như ngày thường, thậm chí nhiều hơn mọi ngày. Tết đến, bệnh viện khá vắng lặng nhưng khi có sản phụ trở dạ, cả khoa cấp cứu lại ồn ào, vội vã. Người thường sẽ sợ chuỗi âm thanh hỗn tạp xen lẫn tiếng gào khóc, than thở đau đớn của sản phụ nhưng bác sĩ sản khoa không được phép sợ và bối rối. Bác sĩ Thương luôn giữ cái đầu lạnh, bình tĩnh để giải quyết công việc. Chỉ khi bước ra khỏi phòng sanh, phòng mổ, anh mới cảm thấy nhẹ nhõm, cảm giác vui hay tiếc nuối mới chực chờ chiếm lĩnh.